Nhắc đến hủ tiếu chắc hẳn các bạn không ai là không biết. Đặc biệt là món hủ tiếu thập cẩm, chứa đựng trọn vị nhất và là món ngon nhưng bình dân của hầu hết người miền Nam. Để tạo ra được một tô hủ tiếu thập cẩm ngon, trọn vị thì trải qua rất nhiều công đoạn chế biến.
GIẢI MÃ SỨC HẤP DẪN CỦA MÓN HỦ TIẾU THẬP CẨM
Để nói đến sức hấp dẫn của món hủ tiếu thì phải kể đến công đoạn ninh nước lèo. Nước lèo của món hủ tiếu này được ninh từ xương heo trong khoảng 2-3 giờ để nước có độ ngọt thanh, hòa quyện với vị ngọt của các nguyên liệu khác như tôm, mực khô, củ cải và cà rốt. Ngoài ra, để tăng thêm độ hấp dẫn và độ dinh dưỡng của món ăn, hủ tiếu còn được ăn kèm với các món ăn kèm như: bò viên, cá viên, chả, thịt gà, thịt bò, tôm, mực, hay là tim, cật. Việc tô hủ tiếu có đa dạng và ngon hay không còn phụ thuộc vào sự chế biến tài hoa của người đầu bếp nữa.
CÁCH NẤU HỦ TIẾU THẬP CẨM ĐƠN GIẢN TẠI NHÀ
Việc nấu một nồi hủ tiếu thập cẩm ngon phải kể đến công đoạn chọn lựa nguyên liệu sao cho phù hợp và tươi ngon nhất. Công đoạn chế biến cũng góp phần không nhỏ để tạo ra hương vị hủ tiếu thật đặc trưng không lẫn vào đâu được. Dưới đây là cách nấu hủ tiếu thập cẩm đơn giản tại nhà cho gia đình của bạn
Nguyên liệu (Cho 10 người)
- 2kg xương heo (lợn)
- 50g tôm khô,2-3 con mực khô
- 2 củ cà rốt
- 1 củ cải
- Khoảng 400-500g thịt lợn xay
- Tôm tươi (500g)
- 1 quả tim lợn
- 20 quả trứng cút hoặc 5 quả trứng gà (tùy theo sức ăn của gia đình)
- Khoảng 300g thịt lợn ( bạn có thể tùy thích chọn thịt nạc dăm hay thịt đùi, thăn) để làm thịt xá xíu
- 1 – 1,2 kg hủ tiếu tươi, rau sống, giá, hẹ, cần tây, chanh, ớt, hành ngò, hành tím.
- Gia vị: muối, đường, ngũ vị hương, rượu thơm, màu gạch tôm (màu điều)
- 50g đường phèn
- Hạt nêm, bột ngọt (nếu nhà bạn không ăn được thì không có cũng không sao)
- 1 chén nhỏ tỏi băm nhỏ
- 1 chén nhỏ cải tân xại (loại cải muối ngọt của người Hoa, có bán ở các hàng chạp phô).
Các bước nấu
Bước 1: Nấu nước dùng
+ Bắc một nồi nước to lên bếp rồi cho vào khoảng một muỗng nhỏ muối đun sôi, cho toàn bộ xương lợn vào chần trong khoảng 10-15 phút. Sau đó vớt xương ra rồi xả lại nước lạnh cho thật sạch, lấy nước chần xương bỏ đi.
+ Bắc tiếp nồi lên bếp cho vào nồi khoảng 7 lít nước lạnh, sau đó cho xương đã được chần sơ vào hầm để lấy nước ngọt. Để lửa to đun cho đến khi nước bắt đầu sôi thì hạ xuống lửa vừa-nhỏ để hầm, chú ý canh nồi để vớt cho sạch bọt khiến nước dùng được trong. Hầm xương trong khoảng 2h-3h hay hơn để xương ra nước ngọt hết.
+ Trong quá trình hầm, khi chuyển sang lửa nhỏ thì cho vào nồi những vật liệu sau: tôm khô rang lên cho thơm, mực khô nướng vàng, củ cải và cà rốt gọt vỏ cắt khúc to để hầm chung.
+ Nêm thêm vào nồi nước: 2 muỗng canh muối, 50g đường phèn, 1 muỗng nhỏ hạt nêm.
Bước 2: Làm nhân:
+ Hành tím cho thái mỏng rồi cho vào chảo có ít dầu đun nóng để phi thơm. Sau đó cho thịt lợn xay vào xào, nêm thêm vào thịt khoảng một muỗng nhỏ nước mắm ngon, thấy thịt chín thì tắt bếp, cho thịt đã xào ra chén để riêng.
+ Tim lợn rửa sạch cho vào nồi nước sôi cùng với một chút muối luộc trong khoảng 5 phút rồi tắt bếp. Đậy nắp nồi lại cho tim tiếp tục chín thêm khoảng 20 phút nữa. Khi tim nguội thì lấy ra xắt thật mỏng, để riêng.
+ Trứng cút hoặc trứng gà luộc chín, bóc sạch vỏ (nếu là trứng gà thì cắt làm đôi).
+ Tôm rửa sạch rồi cho vào nồi luộc hay hấp chín, để nguội rồi bóc sạch vỏ.
+ Thịt lợn ướp với khoảng nửa muỗng nhỏ muối, 1 chút ngũ vị hương, tiêu, bột tỏi hoặc một muỗng nhỏ nước cốt tỏi (có thể dùng tỏi băm hòa với chút nước ấm vắt lấy nước), một muỗng nhỏ rượu thơm, chút xíu màu gạch tôm hoặc màu điều.
+ Bắc nồi lên bếp để lửa vừa, cho vào nồi chút dầu, rồi cho thịt vào chiên cùng với một ít nước, chiên khoảng 15 – 20 phút cho thịt chín đều và nước cạn còn một ít là được. Để thịt nguội nguội rồi xắt thành miếng mỏng.
+ Tỏi băm bạn cho vào chảo dầu phi cho hơi vàng thì cho cải tân xại vào phi cùng cho đến khi tỏi và cải vàng, khô ráo và giòn là được.
+ Các loại rau sống, giá hẹ, cần tây rửa sạch… bày ra đĩa. Hành lá thái mỏng.
Bước 3: Cách trình bày món hủ tiếu thập cẩm
+ Hủ tiếu tươi cho vào nồi nước sôi chần cho mềm rồi cho vào tô, bên trên bày các loại thịt, tôm, trứng, tim cật…
+ Nồi nước dùng nêm nếm lại cho vừa ăn rồi chan vào tô hủ tiếu, sau cùng rắc hành lá và tiêu lên trên cho bắt mắt.
+ Dùng nóng kèm với các loại rau sống, giá hẹ và cần tây.
Lưu ý: Về phần nhân ăn kèm tùy thích các bạn có thể thêm bớt theo khẩu vị gia đình, có thể dùng mực luộc chín hoặc sườn non hầm mềm. Hoặc bạn cũng có thể làm món hủ tiếu khô ăn kèm với nước dùng.
Bí quyết kinh doanh hủ tiếu “bội thu” bằng nồi hủ tiếu điện
Với công nghệ hiện đại ngày nay, hiểu được nỗi khó khăn trong việc nấu hủ tiếu bằng những loại nồi thông thường. Trên thị trường có rất nhiều cơ sở đã cho ra đời chiếc nồi nấu hủ tiếu thập cẩm bằng điện rất tiện lợi và tiết kiệm điện năng. Tiết kiệm được công sức cho người nấu, có thể dành thời gian ra làm những công việc khác mà không phải đứng canh lửa như như cách nấu bằng bếp ga hay bếp củi thông thường.
Một chiếc nồi với công suất gia nhiệt tầm 9kw, nguồn điện từ 220V sẽ khiến cho nồi nấu nhanh hơn nấu bằng bếp ga hoặc bếp củi. Bên cạnh đó, nấu bằng nồi nấu hủ tiếu sẽ không bị bám mùi khói đặc trưng như của bếp ga hoặc bếp củi.
Bạn có thể yên tâm bán cả ngày mà không cần phải chăm chăm xem lửa củi hay vặn nhỏ lửa của bếp ga. Vì bếp điện chỉ cần vặn nút là có thể giữ được nhiệt độ như bạn mong muốn.
Nồi hủ tiếu điện dùng để nấu hủ tiếu thập cẩm luôn được làm bằng inox 304-một loại inox an toàn luôn được sử dụng trong y tế và ẩm thực.
Đa số ngày nay, những hộ kinh doanh về món hủ tiếu nói riêng và ẩm thực nói chung đều đã sử dụng nồi nấu điện thay cho nồi nấu thông thường. Việc tiết kiệm được thời gian canh giữ, làm được nhiều việc hơn đã tăng được doanh thu rất nhiều cho quán. Thế nhưng hãy lựa chọn cơ sở uy tín để mua nồi nấu điện, vì trên thị trường “thật giả” lẫn lộn.
Chúc các bạn qua bài viết này có thể biết được cách nấu hủ tiếu thập cẩm ngon cho gia đình và bạn bè của mình nhé!